Đến với Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới vào mùa hoa nhãn nở, chúng tôi có cảm giác như được trở về với thiên nhiên, nơi con ong đang mùa lấy mật. Tại các vườn nhãn là hàng trăm thùng nuôi ong đặt liên tiếp, ong bay vo ve khắp nơi lấy mật tạo nên một hệ sinh thái thiên nhiên trong lành trong khuôn viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới thành lập từ 2006, là nơi đầu nguồn của Việt Nam kết hợp vừa nghiên cứu và đào tạo về ong. Hiện nay, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mật ong, tăng được sức cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu. Mô hình nuôi ong theo Công nghệ 4.0 giúp minh bạch sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm như: con giống, nguồn hoa, các chất bổ sung và phòng trị bệnh được sử dụng trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng đàn ong.
Ngoài ra, Trung tâm cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thành công với việc thụ tinh nhân tạo cho đàn ong chúa, cung cấp hàng trăm ong chúa giống, hàng nghìn đàn ong cho người nuôi ong của Việt Nam. Thành công của mô hình này đã đưa tiếng vang của ngành nuôi ong Việt Nam ra thế giới. Trung tâm đã đón tiếp các thực tập sinh, các học giả, người nuôi ong từ các quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Belarus…đến tham quan học hỏi.
Đón đầu xu thế nuôi ong của quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới đầu tư công nghệ và đưa kỹ thuật nuôi ong chuẩn quốc tế vào thực tế, từ đó đã giúp người nuôi ong Việt Nam chuyển đổi tập quán nuôi ong từ nuôi thùng đơn sang nuôi ong thùng kế giúp nâng cao chất lượng mật, hướng đến nền nông nghiệp nuôi ong phát triển bền vững. PGS.TS Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Việc nuôi ong thùng kế tận dụng được không gian mở của thiên nhiên, ong nuôi sạch, nguồn mật tinh khiết nên cho sản phẩm gấp 5 lần so với nguồn mật thu hoạch từ thùng đơn”. Cho đến nay tại Trung tâm đã ươm tạo được 100 đàn ong giống nội, 200 đàn ong giống ngoại, Trung tâm làm chủ nguồn thụ tinh tạo giống ong chúa nên ngay từ khâu chọn giống đã được chọn lọc, từ đó có những đàn ong chất lượng tốt.
Mỗi năm, Trung tâm đã tập huấn, đào tạo cho hơn 3000 người nuôi ong tiếp cận những kỹ thuật nuôi ong mới hiện đại của quốc tế. Trong 2 năm (2020-2022), Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong nhiệt đới đã hỗ trợ Sơn La và Nghệ An xây dựng 7 mô hình nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 715 đàn ong trên tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ các tỉnh của Việt Nam tập huấn kỹ thuật nuôi ong, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong, Trung tâm cũng trao đổi hướng dẫn, tư vấn ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nuôi ong, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, bảo vệ và nâng cao thương hiệu mật ong Việt Nam.
TS Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới đang nuôi ong lấy mật với số lượng thu hoạch 30 tấn mật/1 vụ cung ứng cho thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm mật ong chất lượng cao như: mật ong chúa, phấn hoa, viên nang mềm sữa ong chúa…./.
Bài, ảnh: Việt Cường
Nguồn: https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nuoi-ong-lay-mat-theo-cong-nghe-40-298097.html