Vào mùa ong đi lấy mật, Bình Phước là địa phương có nhiều tiềm năng vì sự phong phú, đa dạng của các loại cây trồng như cao su, cà phê, nhãn, điều và nhiều loại cây trồng khác nên nguồn mật rất dồi dào.
Trong các loại mật lấy từ hoa, lá thì mật lấy từ lá cao su là loại mật có độ dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, ngoài những hộ nuôi ong tại Bình Phước còn rất nhiều chủ trại ong từ các nơi khác đưa đàn ong về Bình Phước để lấy mật.
Ghé thăm trại ong của hộ ông Phạm Lâm ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đúng lúc trại ong của gia đình ông đang cho thu hoạch mật. Ông Lâm cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật khá vất vả vì phải di chuyển đàn ong liên tục từ Nam ra Bắc, đến nhiều tỉnh, nhiều địa phương trong cả nước theo mùa hoa để ong lấy mật. Thường thì sau tết Nguyên đán, người nuôi ong bắt đầu di chuyển đàn lên các tỉnh Tây Nguyên lấy mật lá cao su, mật hoa cà phê, hết mùa lại chuyển đàn ong ra các tỉnh miền Trung lấy mật hoa keo, mật lá tràm, rồi ra Bắc lấy mật hoa nhãn, hoa vải… Vòng quay lấy mật dao động từ 8-12 ngày. Cứ mỗi lần đến vòng quay lấy mật ông lại nhờ từ 10-12 người dân trong vùng đến hỗ trợ thu hoạch mật.
Nghề nuôi ong lấy mật tuy vất vả nhưng nếu phát triển đàn ong tốt, thu được nhiều mật thì với 300 thùng ong như của gia đình ông hiện nay, trừ chi phí có thể thu từ 200-300 triệu đồng/năm. Cũng nhờ nuôi ong lấy mật nên kinh tế gia đình ông khá ổn định và còn tạo việc làm cho người dân trong vùng.